Một số nơi Chăn_thả_quá_mức

Người châu Âu đặt chân đến Úc châu vào những năm 1600. Họ đem đến những thay đổi mà cuối cùng đã phá hỏng sự đa dạng sinh thái của châu lục này. Con người và đàn gia súc giờ đây thống trị các khu vực ẩm ướt và giàu thức ăn ở Úc châu trong khi các loài ăn cỏ mới được đưa đến như lạc đà và dê gặm cỏ tại những vùng khô cằn. Một khi nguồn thức ăn suy giảm và cạnh tranh tăng lên, những loài thú bản địa phải chật vật để sinh tồn. Ở Việt Nam, 38% diện tích tỉnh Ninh Thuận và 15% diện tích tỉnh Bình Thuận có nguy cơ bị sa mạc hóa. Một trong những nguyên nhân gây hoang mạc hóa ở hai tỉnh này là chăn thả gia súc quá mức, tàn phá thảm thực vật đến mức cạn kiệt. Hai tỉnh đã tiến hành quy hoạch đồng cỏ, trồng cây thức ăn gia súc để kiểm soát chăn thả.

Tình trạng chăn thả hàng triệu con cừu và dê là nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy thoái đất trong thảo nguyên Mông Cổ, một trong những hệ sinh thái đồng cỏ lớn nhất còn lại trên thế giới, khoảng 12% sinh khối đã biến mất ở đất nước có diện tích gấp đôi diện tích bang Texas, và 70% các hệ sinh thái đồng cỏ hiện được coi là suy thoái. Tình trạng chăn thả quá mức chiếm 80% nguyên nhân gây nên tình trạng thực vật bị mất đi trong những năm gần đây và tình trạng giảm lượng mưa do biến đổi khí hậu chiếm 20% còn lại. Các yếu tố này đã dẫn đến tình trạng sa mạc hóa, các đồng cỏ màu mỡ bị sa mạc Gobi lấn chiếm. Quá trình sa mạc hóa mở rộng nhanh chóng từ phía nam, từ năm 1990, số gia súc tại Mông Cổ đã tăng gần gấp đôi lên 45 triệu con, tình trạng này một phần bởi những thay đổi kinh tế xã hội liên quan đến sự tan rã của Liên Xô trước đây. Tỷ lệ thất nghiệp cao khiến nhiều người dân quay trở lại nghề chăn nuôi, thực trạng trên đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ sinh thái Mông Cổ, bao gồm cả việc mất đất nông nghiệp và mất nước, đồng thời có thể góp phần biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đất đai tại Mông Cổ đang bị xuống cấp và nguồn cung cấp lương thực cho người dân địa phương đang giảm dần. Tất cả các hệ sinh thái trên toàn cầu có một chức năng riêng biệt trong khí hậu thế giới. Thảm thực vật làm mát cảnh quan và đóng một vai trò quan trọng cho sự cân bằng nước và cácbon, bao gồm cả khí nhà kính. Các nghiên cứu liên quan cũng chỉ ra rằng, tình trạng chăn thả gia súc quá mức sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến thảm thực vật và sinh khối rễ cây. Mông Cổ là một khu vực bán khô hạn khắc nghiệt với mùa đông khô và ấm áp, mùa hè ẩm ướt. Khoảng 79% diện tích đất nước này được bao phủ bởi đồng cỏ và sự gia tăng lớn về số lượng gia súc chăn thả xảy ra trong chỉ một thập kỷ qua - đặc biệt là cừu và dê gây ra những tác động xấu cho các hệ sinh thái.